Phát triển ngành làm đẹp Việt Nam tới 2025
Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm do nhu cầu sử dụng người Việt đang có xu hướng gia tăng. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm đã được Chính phủ tạo nhiều thuận lợi thông qua việc ban hành Nghị định số 93/2016/ NĐ–CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm ngày 01/7/2016. Từ đây thị trường Mỹ phẩm ở Việt Nam có thể gọi là bùng nổ.
THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG MỸ PHẨM VIỆT NAM
Với quy mô dân số trên 90 triệu người, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có rất tiềm năng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy thị trường mỹ phẩm đang xuất hiện rất nhiều hàng giả hàng nhái, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kinh doanh mỹ phẩm chân chính. Thực tế, các lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều các lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các sản phẩm nhái nhãn mác... đã phản ánh phần nào những bất cập và kẽ hở trong công tác quản lý.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước cũng đã đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng trong việc nhận biết, bảo vệ sức khỏe khi sử dụng mỹ phẩm, cũng như chỉ ra những bất cập về quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của các lực lượng chức năng, cũng như bảo vệ uy tín thương hiệu của chính mình.
Trước đây chúng ta có Ban chỉ đạo 31, sau đó là Ban chỉ đạo 107 Trung ương chỉ đạo về chống buôn lậu và hàng giả, nay là Ban chỉ đạo 389, điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc quyết tâm chống hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu. Bộ Y tế cũng có những động thái mạnh trong vấn đề quản lý mỹ phẩm. Ngày 2/9/2003, Bộ Thương mại đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm. Để triển khai hiệp định này Cục Quản lý Dược đã tham mưu Bộ Y tế ban hành thông tư 06 để triển khai hoạt động quản lý mỹ phẩm. Việc cho doanh nghiệp một cơ chế thông thoáng bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về dược và mỹ phẩm là Cục quản lý Dược đã tiến hành nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường. Kết quả cho thấy, cơ bản các doanh nghiệp đã nắm bắt được các quy định của nhà nước tuy nhiên vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất... Tất cả đều bị xử phạt nghiêm.
GIẢI PHÁP
Thực trạng thị trường mỹ phẩm VN cần được nhìn nhận ở những khía cạnh như sau
- Thứ nhất là vấn đề nhận thức: Từ người xây dựng chính sách đến người tiêu dùng cần hiểu tác hại của sản phẩm giả, nhái.
-Thứ hai là cơ quan quản lý ở địa phương cần nâng cao vai trò hơn nữa.
-Thứ ba là vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng cần bỏ tâm lý, thói quen dễ dãi khi mua sắm.
Hiện sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế mà còn tuân thủ Bộ quy chuẩn của khu vực và thế giới yêu cầu. Bản thân doanh nghiệp phải được đào tạo, tự học hỏi, cập nhật các hướng dẫn. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mỹ phẩm hiện nay còn mơ hồ. Chúng tôi đồng ý với ý kiến cần đào tạo từ người sản xuất, thành viên, người tiêu dùng có quan tâm đến lĩnh vực mỹ phẩm này.
Theo Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam từ đây tới năm 2025 với đà phát triển bùng phát của thị trường làm đẹp (ở đây chỉ nói về lãnh vực mỹ phẩm) Việt Nam cần đề ra các biện pháp sau:
1. Kêu gọi người tiêu dùng giúp chúng ta – những nhà sản xuất mong muốn sản xuất sản phẩm tốt - sản xuất sản phẩm tốt chắc chắn giá sẽ phải cao, mua sản phẩm chính hãng là cách ủng hộ cho xã hội phát triển.
2. Các cơ quan chức năng luôn có các biện pháp kiểm tra những hàng giả, hàng nhái và chất lượng mỹ phẩm, vì từ khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan quản lý chưa kịp bắt nhịp, làm đúng làm đủ theo kiểu hậu kiểm.
Box1 : Để có một thị trường mỹ phẩm lành mạnh, đầu tiên phải giáo dục ý thức của các chủ doanh nghiệp. Điều này cực khó vì lợi nhuận cao. Thứ hai, cơ quan quản lý cần phải kiểm soát ngay từ ban đầu, có chế tài xử phạt, răn đe. Thứ ba, ý thức của người tiêu dùng chưa tốt. Cuối cùng, câu chuyện kiểm soát chất lượng ở Bộ Y tế cần phải nâng cao hơn nữa.
Box 2 : Cần có kênh phản ánh thông tin và xây dựng dữ liệu báo cáo những thương hiệu, tên tuổi mỹ phẩm nào đang có nhiều hàng giả. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần thường xuyên tăng cường đào tạo cho đại lý bán hàng của mình thông tin được cho người tiêu dùng.
Box 3 : Thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm các nước muốn thâm nhập vào thị trường này. Cần phải đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng. Về phía cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được.